Mục lục
Ngày nay, khi đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao thì nhu cầu sở hữu một chiếc ô tô làm phương tiện di chuyển hằng ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, đối với những người có điều kiện tài chính thì nhu cầu mua ô tô là rất lớn. Tuy nhiên, làm sao chọn được một chiếc ô tô có động cơ, công năng phù hợp với mục đích sử dụng cũng không phải là vấn đề dễ dàng, điển hình là việc chọn mua xe ô tô 2 cầu hay 1 cầu cũng khiến cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm phải đau đầu.
Sau đây Chợ Tốt đưa ra một số thông tin giúp phân biệt xe 2 cầu và 1 cầu để người mua có thể dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn loại xe phù hợp.
Cầu là tên gọi của một bộ phận hình cầu nằm giữa trục nối hai bánh xe sau (hoặc trước) của ô tô, trong đó chứa một hệ thống bánh răng gọi là bộ “vi sai”. Bộ vi sai được nối với 2 bánh sau bằng 2 láp ngang và nối với động cơ bằng một ống hình trụ gọi là láp dọc. Động cơ chuyển động sẽ làm quay láp dọc, từ đó tác động lên bộ vi sai làm quay 2 láp ngang và giúp bánh xe lăn bánh. Về nguyên tắc thì hai bánh không được phép chuyển động với cùng một vận tốc khi vào khúc cua vì sẽ gây ra hiện tượng lết bánh làm lật xe, do đó bộ vi sai có công dụng giúp hai bánh chuyển động tương đối độc lập, trong đó bánh này phải ” tựa” vào bánh kia mới quay được.
Xe chỉ có 1 cầu – ký hiệu 4×2 hoặc 2WD (2 Wheel Drive) là loại xe chỉ dẫn động 2 bánh, nếu là 2 bánh sau thì gọi là xe dẫn động cầu sau (RWD – Rear-Wheel Drive), còn nếu là 2 bánh trước thì gọi là xe dẫn động cầu trước (FWD – Front-Wheel Drive). Nếu dùng xe 1 cầu di chuyển trên những địa hình xấu, gồ ghề thì chỉ cần một trong hai bánh xe phát động bị mất ma sát (ví dụ như lọt vào hố bùn) thì một bánh xe sẽ quay tít trong khi bánh còn lại không quay được, kết quả là xe bị sa lầy không thể tiến lên.
Do khả năng chịu đựng kém ở những địa hình khó đó, người ta đã lắp thêm 1 cầu cho 2 bánh trước để kéo xe trong những trường hợp “sa lầy” như trên, và đó là lí do ra đời xe hai cầu. Xe ô tô 2 cầu có 2 loại là 4WD (4 Wheel Drive – hệ thống dẫn động 4 bánh bán thời gian) và AWD (All Wheels Drive – Hệ thống dẫn 4 bánh toàn thời gian).
Đối với xe AWD, hệ thống sẽ truyền lực liên tục đến tất cả các bánh ở mọi điều kiện vận hành và cho phép vận tốc giữa bánh trục trước và sau có sự chênh lệch tùy vào địa hình.
Đối với xe 4WD thì chạy trên cả hai trục ở cùng vận tốc và thường chỉ hoạt động hiệu quả khi xe di chuyển trên địa hình ghồ ghề, không bằng bẳng. Vì vậy, nếu dùng xe 4WD để chạy trên các mặt đường bằng phẳng sẽ mau chóng làm mòn lốp xe và giảm tuổi thọ trục truyền động.
Bên cạnh đó, hệ thống 4WD tỏ ra khó điều khiển tại các góc cua, đặc biệt khi đang chạy trên mặt đường bằng tuyết vì khi đó, một trục của xe bị khóa cứng, trượt trên mặt đường khi di chuyển vào khúc cua. Còn hệ thống AWD cho phép vận tốc của bánh trước khác với bánh sau nên động cơ vận hành linh hoạt trong những trường hợp trên giúp cho việc di chuyển an toàn và ổn định hơn, tránh không bị trơn trượt khi gặp địa hình xấu.
Hiện nay, các hệ thống AWD hiện đại tỏ ra hỗ trợ hiệu quả đối vì được phát triển trên nguyên tắc dẫn động cầu trước bổ sung dẫn động cầu sau với khả năng cân bằng và kiểm soát tốc độ xe ở mọi điều kiện địa hình và tình huống khác nhau. Một ví dụ tiêu biểu là Ford Taurus 2013. Bên cạnh đó, với bộ phận cảm biến thông minh giúp xe ô tô 2 cầu AWD kiểm soát và tính toán trường hợp rủi ro trượt bánh trong suốt hành trình và hệ thống chủ động phân bổ tỷ lệ lực mô men lên cả bốn bánh, trước khi phát hiện ra bánh bị trượt.
Với những đặc điểm trên, loại xe AWD thích hợp đi trên đường trơn, tuyết, leo dốc với địa hình không quá hiểm trở, còn 4WD thích hợp với địa hình phức tạp, đi công trình, lội nước…
Nhìn chung, xe ô tô 2 cầu có nhiều ưu điểm do khả năng vận hành khỏe, tính cơ động cao, có thể di chuyển trên mọi địa hình (hay còn gọi là xe địa hình). Xe còn có thể chuyển qua chạy chế độ 1 cầu nếu di chuyển trên địa hình bằng phẳng. Tuy nhiên, chi phí sở hữu xe ô tô 2 cầu sẽ cao hơn nhiều so với xe một cầu, tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, vỏ xe sẽ mau mòn hơn và người mua sẽ tốn nhiều chi phí bảo dưỡng về sau.
Đối với những người có điều kiện tài chính, đam mê việc chinh phục các loại đường khó thì thường chọn xe ô tô 2 cầu do sức mạnh vượt trội của động cơ cũng như tính an toàn và cơ động của xe có thể thích nghi với mọi địa hình. Ngược lại, đối với những người có nhu cầu di chuyển chủ yếu trong nội đô, đường đẹp, bằng phẳng thì có thể chọn xe một cầu với hệ thống dẫn động cầu trước (FWD), vì đa phần các loại xe sedan gia đình đều thuộc loại này. Còn xe 1 cầu với hệ thống dẫn động cầu sau (RWD) thường là những xe thể thao, xe đua. Nhìn chung, xe 1 cầu thường tiết kiệm chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, giá bán xe lại rẻ hơn nhiều so với dòng xe hai cầu.
Với những thông tin trên, hi vọng bạn đã có thể quyết định loại xe nào phù hợp với mình nhất.