Mục lục
Trong phân khúc SUV Crossover 5+2, Mitsubishi Outlander đang thụt lùi so với các đối thủ về doanh số. Mẫu xe này gần như bị lãng quên tương tự Nissan X-Trail. Tuy nhiên nếu so sánh một cách khách quan, Mitsubishi Outlander vẫn sở hữu những ưu điểm riêng, thực dụng đặc trưng của Mitsubish và chỉ những khách hàng thực sự ưa chuộng thương hiệu này mới có thể cảm nhận được. Hãy cùng Chợ Tốt Xe đánh giá Mitsubishi Outlander 2021 để xem có đcó thực sự đáng đầu tư qua bài viết.
Tình từ thời điểm ra mắt năm 2015, Mitsubishi Outlander đã có mặt tại Việt Nam một thời gian cũng khá lâu. Mẫu xe này ban đầu được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản với 3 phiên bản. Trong đó, có 2 phiên bản 5 chỗ ngồi và 1 phiên bản 7 chỗ ngồi kiểu 5+2 chỗ.
Mitsubishi Outlander ra mắt cũng là bước ngoặt quan trọng của thương hiệu ô tô Nhật Bản khi đổi tên gọi chính thức là Mitsubishi Motors Việt Nam, thay thế cho tên gọi trước đó là Vina Star Motors Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà đây cũng là mẫu xe mở đường cho ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield vốn trở thành một đặc điểm ăn khách thời gian gần đây, và cũng trở thành một đặc điểm nhận diện cho thương hiệu ô tô Nhật Bản.
Tuy nhiên trong lần ra mắt đầu tiên này, với việc nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản khiến Mitsubishi Outlander khó lòng cạnh tranh với các đối thủ. Để có mức giá khởi điểm 975 triệu đồng, hãng xe Nhật Bản đã cắt giảm khá nhiều trang bị và không được khách hàng đánh giá cao.
Đến năm 2018, Mitsubishi Outlander chính thức chuyển qua lắp ráp trong nước cùng với những nâng cấp đáng giá hơn. Tất cả phiên bản đều có kiểu nội thất 5+2 chỗ vốn được khách hàng Việt Nam ưa thích. Đồng thời giá bán khởi điểm cũng được điều chỉnh còn 823 triệu đồng, cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Mazda CX-5 cũng như Honda CR-V.
Và lần nâng cấp gần nhất của mẫu xe này diễn ra trong năm 2020 với những nâng cấp còn đáng giá hơn nữa về mặt công nghệ. Ngoài ra, hệ thống điều hòa cũng được bổ sung thêm cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau, vốn là một điểm yếu khó khỏa lấp của mẫu xe này trước các đối thủ. Và điều này đã cho các kết quả khá tích cực.
Trong năm 2020, Mitsubishi Outlander đã bán ra được tổng cộng 3.969 xe, tăng 134 xe so với năm 2019. Và đà tăng này tiếp tục trong năm 2021 khi doanh số trong nửa đầu năm đạt 1.238 xe, tăng 67 xe. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận khi thị trường ô tô Việt Nam suy giảm nặng nề bởi ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài từ năm 2020 đến hiện tại.
Bước sang năm 2021, mẫu xe này chưa có nâng cấp nào và tiếp tục đưa ra thị trường với 3 phiên bản. Giá bán lần lượt là:
Mitsubishi Outlander là một mẫu xe được rao bán khá phong phú trên Chợ Tốt Xe. Không chỉ xe mới, những dòng xe đã qua sử dụng cũng được rao bán rất phong phú. Các xe Outlander đời 2016 – 2017 nhập khẩu từ Nhật Bản có số lượng tương đối ít. Điều này tương đối dễ hiểu khi các đời xe này không có doanh số cao. Hiện tại trên Chợ Tốt Xe, những dòng xe này có giá dao động từ 590 – 795 triệu đồng tùy theo phiên bản.
Với các dòng xe Outlander từ 2018 lắp ráp trong nước, số lượng xe cũ rao bán nhiều hơn. Giá bán các dòng xe này cũng đang dao động từ 635 – 955 triệu đồng.
Trong năm 2020, Mitsubishi Việt Nam lần lượt nâng cấp các phiên bản Outlander 2.0 vào tháng 2 và Outlander 2.4 vào tháng 7. Nếu phiên bản 2.0 hướng đến khách hàng gia đình, cần một dòng xe rộng rãi, trang bị đủ dùng, thì phiên bản 2.4 dành cho khách hàng đam mê chinh phục, cần một mẫu xe mạnh mẽ, lanh lợi với hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian.
So với phiên bản nhập khẩu ra mắt lần đầu năm 2016, Mitsubishi Outlander 2021 không có quá nhiều khác biệt về thiết kế ngoại thất bên ngoài. Trọng tâm thiết kế vẫn là ngôn ngữ Dynamic Shield với khẩu hiệu “Vẻ đẹp đến từ công năng”. Kích thước tổng thể của xe cũng không có nhiều thay đổi với thông số DxRxC lần lượt là 4.695 x 1.810 x 1.710 (mm). Chiều dài cơ sở cũng duy trì là 2.670 mm.
Nếu so với các đối thủ trực tiếp như Honda CR-V hay Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander có thiết kế trung tính, có phần chững chạc so với các đối thủ. Ngoài ra, kích thước của xe cũng lớn hơn so với 2 đối thủ nhưng bán kính quay vòng của xe chỉ 5,3 mét. Điều này giúp xe khá linh hoạt khi di chuyển trong những khu vực chật hẹp.
Đánh giá Mitsubishi Outlander 2021, có thể thấy phần đầu xe được làm mới kiểu dáng lưới tản nhiệt. Hai nan chrome được đặt đối xứng với nhau thay vì cùng hướng như trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết đục lỗ tạo nên sự liền lạc.
Cụm đèn pha vẫn sử dụng bóng chiếu projector, tích hợp cảm biến tự động bật tắt và đèn LED ban ngày trên tất cả phiên bản. Phiên bản tiêu chuẩn sử dụng đèn Halogen trong khi 2 phiên bản Premium trang bị đèn pha LED hiện đại. Đèn pha trên 2 phiên bản Premium còn có chức năng tự động chiếu xa và hệ thống rửa đèn. Đèn sương mù trên 2 phiên bản này cũng dạng LED, trong khi phiên bản tiêu chuẩn là đèn Halogen.
Ngoài ra, không thể bỏ qua chi tiết mạ chrome ở phía trước đầu xe vốn là một trong những điểm nhận dạng của Mitsubishi Outlander. Phần cản trước cũng được bổ sung tấm ốp mạ chrome to bản, tạo cho phần đầu xe sự hầm hố và chắc chắn hơn.
Trang bị trên thân xe không có nhiều khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. So với các đối thủ, Mitsubishi Outlander có kiểu dáng trường dài về phía sau, đặc biệt là phần mui xe kéo ngang thay vì thấp dần về đuôi xe. Thiết kế này giúp cho không gian bên trong không bị tù túng, trần xe cũng sẽ có thêm không gian cho hành khách.
La-zăng cả 3 phiên bản vẫn có kích thước 18 inch, hai tông màu như trước đây. Tuy nhiên thiết kế la-zăng dạng cánh quạt tạo hiệu ứng xoắn ốc khi di chuyển khá bắt mắt. Cụm gương chiếu hậu bo góc tròn cũng đầy đủ các chức năng chỉnh điện, gập điện tích hợp đèn báo rẽ và sấy gương, rất tiện dụng khi di chuyển dưới trời mưa.
Các chi tiết khác ở thân xe vẫn được giữ nguyên như ốp bảo vệ viền chrome ở mép cửa, viền cửa sổ mạ chrome, tay nắm cửa mạ chrome tích hợp khóa cửa thông minh. Ngoài ra cửa kính phía sau màu sậm cũng hạn chế ánh nắng hắt vào khoang hành khách, cũng như đem lại sự riêng tư cho hành khách bên trong.
Đánh giá Mitsubishi Outlander 2021 về đuôi xe cũng không có nhiều thay đổi. Nổi bật nhất vẫn là cụm đèn hậu LED hiện đại với thiết kế nằm ngang. Cánh lướt gió đuôi xe tích hợp đèn phanh thứ 3 trang bị cho cả 3 phiên bản giúp giao diện phía sau cân đối hơn.
Tương tự phần đầu xe, đuôi xe cũng tăng kích thước cho tấm ốp bảo vệ cản sau. Phía dưới cản sau vẫn trang bị đầy đủ đèn sương mù phía sau, đèn báo lùi, đèn phản quang hỗ trợ nhận dạng. Ngoài ra, nối liền 2 đèn hậu vẫn là một nẹp mạ chrome tạo kiểu tương tự ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield ngay phía trước xe.
So với các đối thủ, nội thất của Mitsubishi Outlander 2021 dường như kém cá tính hơn hẳn, các chi tiết đề cao tính thực dụng hơn, thiết kế đơn giản đúng với truyền thống từ trước tới nay của thương hiệu này. Ngoài ra, Mitsubishi cũng tạo cho xe một không gian tương đối rộng rãi cho 7 hành khách.
Bảng táp lô của Mitsubishi Outlander 2021 có thiết kế nghiêng về phía người lái, giúp dễ dàng kiểm soát mọi tính năng của xe. Tuy nhiên kiểu thiết kế này lại gợi nhớ nhiều đến những dòng xe thương mại, thay vì có cá tính riêng như Honda CR-V. Bù lại các chất liệu sử dụng cho bảng táp lô khá cao cấp, rất nhiều vật liệu nhựa mềm, hoặc nhựa sơn đen bóng cao cấp.
Vô lăng Mitsubishi Outlander 2021 vẫn giữ thiết kế của phiên bản tiền nhiệm, và chung thiết kế với các dòng xe giá rẻ như Attrage hay Xpander. Vô lăng của xe cũng được bọc da cao cấp, có thể điều chỉnh 4 hướng và tích hợp đầy đủ tính năng gồm điều khiển âm thanh, đàm thoại rảnh tay và hệ thống kiểm soát hành trình.
Đồng hồ lái vẫn không có sự thay đổi nhiều so với phiên bản ra mắt năm 2018. Chiếm phần lớn diện tích vẫn là hai đồng hồ kim cho tốc độ và vòng tua máy. Trong khi trung tâm vẫn là một màn hình đa thông tin màu với giao diện tương đối nhỏ. Đây là một nhược điểm nếu so với đối thủ Honda CR-V hay Peugeot 5008 được trang bị đồng hồ lái kỹ thuật số.
Ghế ngồi Mitsubishi Outlander 2021 vẫn chưa có sự nâng cấp khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. Phiên bản tiêu chuẩn Outlander 2.0 CVT vẫn trang bị ghế nỉ, trong khi ghế da trang bị cho 2 phiên bản Premium cao cấp hơn. Ghế lái 2 bản Premium cũng trang bị chỉnh điện 10 hướng với đệm tựa lưng và sưởi ấm, trong khi bản tiêu chuẩn chỉ trang bị ghế lái chỉnh tay và không trang bị đệm tựa lưng.
Hàng ghế thứ hai của Mitsubishi Outlander 2021 có thể trượt lên xuống để tăng không gian để chân cho hành khách ở hàng ghế thứ 3. Điều này rất hữu dụng khi di chuyển trên quãng đường dài, giúp hành khách phía sau thêm thoải mái. Ngoài ra, khi cần thiết, hàng ghế này cũng có thể gập phẳng theo tỷ lệ 60:40 để mở rộng tối đa khoang hành lý.
Hàng ghế thứ ba Mitsubishi Outlander 2021 cũng không thể điều chỉnh độ nghiêng như hầu hết các đối thủ trong phân khúc. Tuy nhiên với chiều dài lớn nhất phân khúc, hành khách ở phía sau cùng của Outlander vẫn tương đối dễ chịu so với các đối thủ. Ngoài ra, hàng ghế này cũng có thể gập phẳng theo tỷ lệ 50:50 để mở rộng khoang hành khi đi không sử dụng, cùng với đó là tấm che hành lý đem lại sự kín đáo cho người dùng khi sử dụng.
Mitsubishi Outlander 2021 cũng có những nâng cấp tiện nghi quan trọng giúp mẫu xe này không bị tụt hậu so với các đối thủ. Trung tâm giải trí của cả ba phiên bản vẫn là màn hình cảm ứng 7 inch nhưng không còn đầu DVD, thay vào đó là tương thích Apple Carplay và Android Auto vốn đem lại sự tiện lợi hơn nhiều. Ngoài ra vẫn còn các chuẩn kết nối tiêu chuẩn như AUX, USB, Bluetooth, và đi kèm hệ thống âm thanh 6 loa.
Hệ thống điều hòa trên Mitsubishi Outlander 2021 cũng có những nâng cấp quan trọng. Tất cả phiên bản vẫn trang bị hệ thống điều hòa tự động hai vùng độc lập, nhưng phiên bản mới đã bổ sung thêm cửa gió điều hòa cho hai hàng ghế phía sau. Nhờ đó, không khí lạnh sẽ được phân bổ đều đến mọi khu vực, giúp làm lạnh nhanh và sâu hơn so với trước kia.
Mitsubishi Outlander 2021 vẫn duy trì một số tiện ích cao cấp như gương chiếu hậu trong xe chống chói tự động, cảm biến gạt mưa tự động, cửa sổ chỉnh điện một chạm lên xuống chống kẹt tất cả vị trí, chìa khóa thông minh, khởi động bằng nút bấm. Riêng 2 phiên bản Premium vẫn trang bị cửa sổ trời.
Cả ba phiên bản Mitsubishi Outlander 2021 vẫn chưa có nhiều thay đổi về trang bị vận hành kể từ lần ra mắt năm 2016.
Hai phiên bản Outlander 2.0 CVT vẫn sử dụng động cơ 4B11 DOHC MIVEC, dung tích 2.0L, 4 xi lanh thẳng hàng cho công suất tối đa 143 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 196Nm tại 4.200 vòng/phút. Đi kèm là hộp số vô cấp CVT INVECS-III với chế độ thể thao Sport Mode và hệ dẫn động cầu trước.
Phiên bản Outlander 2.4 CVT Premium cũng sử dụng động cơ 4B12 DOHC MIVEC, dung tích 2.4L, 4 xi lanh thẳng hàng cho công suất tối đa 165 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 222Nm tại 4.100 vòng/phút. Đi kèm là hộp số vô cấp CVT INVECS-III và hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian AWC với 3 chế độ: 4WD ECO – 4WD AUTO – 4WD LOCK.
Theo nhà sản xuất cho biết 3 chế độ này sẽ có các khác biệt về kiểm soát lực kéo, đem lại độ bám khác biệt, giảm độ trơn trượt và an toàn hơn tùy theo điều kiện khác nhau:
Trong trải nghiệm thực tế, Mitsubishi Outlander 2.0 CVT và 2.0 CVT Premium cho khả năng vận hành không quá mạnh mẽ nhưng đủ để di chuyển trong phố cũng như ổn định khi di chuyển tốc độ cao. Dung tích động cơ nhỏ cùng với khối lượng không tải thấp giúp xe tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn so với phiên bản 2.4 CVT Premium.
Trong khi đó ngoài khả năng vận hành vượt trội, động cơ dung tích hơn và hộp số vô cấp CVT có chế độ thể thao giúp phiên bản Outlander 2.4 CVT Premium xứng đáng là phiên bản cao cấp nhất. Một điểm mạnh chung của các phiên bản Outlander chính là trụ A thiết kế mỏng, giúp hạn chế điểm mù rất tốt. Đây cũng là điểm vượt trội nếu đặt cạnh đối thủ Honda CR-V.
Đánh giá Mitsubishi Outlander 2021 về tay lái nhận thấy vẫn sử dụng trợ lực lái điện, tuy nhiên nhà sản xuất giảm bớt trợ lực giúp tay lái có vẻ hơi nặng so với các đối thủ. Ngược lại độ phản hồi mặt đường của mẫu xe này khá chân thật, và phản ứng chính xác trước mỗi cú đánh lái.
Ngoài ra, hệ thống treo của Mitsubishi Outlander 2021 cũng được đánh giá khá cao với độ êm ái. Tất cả nhờ vào cấu trúc hệ thống treo trước kiểu MacPherson với thanh cân bằng và hệ thống treo sau đa liên kết với thanh cân bằng.
Nếu Honda CR-V được quảng cáo rầm rộ với hệ thống an toàn hàng đầu Honda Sensing, thì Mitsubishi Outlander 2021 cũng không hề thua kém với hệ thống an toàn chủ động Mitsubishi e-Assist.
Với hệ thống an toàn chủ động mới, Outlander 2021 sẽ tích hợp thêm hệ thống radar và camera tăng cường an toàn cho người lái. Từ các phần cứng được bổ sung, mẫu xe này có thêm các hệ thống an toàn chủ động như: Hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi xe (RCTA), hệ thống cảnh báo điểm mù (BSW) và hỗ trợ chuyển làn (LCA), hệ thống cảnh báo và giảm thiểu rủi ro va chạm phía trước (FCM)
Tuy nhiên hệ thống Mitsubishi e-Assist chỉ trang bị trên phiên bản Outlander 2.0 CVT Premium và 2.4 CVT Premium. Riêng hệ thống FCM chỉ trang bị trên phiên bản Outlander 2.4 CVT Premium cao cấp nhất.
Các trang bị an toàn tiêu chuẩn vẫn bao gồm:
Với mức giá từ 825 triệu – 1,058 tỷ đồng, Mitsubishi Outlander 2021 đang sở hữu một mức giá khá cạnh tranh trong phân khúc SUV Crossover 5+2 hiện nay. Đây là mức giá thấp nhất nếu so với các đối thủ cùng phân khúc như Honda CR-V hay Peugeot 5008. Trong khi các đối thủ 5+2 ở phân khúc lớn như Kia Sorento hay Hyundai Santa Fe cũng đang ở mức giá cao hơn đáng kể.
Nếu khách hàng đang tìm kiếm một dòng xe 5+2 giá rẻ, trang bị ở mức đủ dùng, tiết kiệm nhiên liệu, không gian rộng rãi, Mitsubishi Outlander 2.0 CVT sẽ là lựa chọn sáng giá. Nếu cần thêm các tiện nghi cao cấp, Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium sẽ là một nâng cấp đáng cân nhắc.
Còn lại phiên bản Mitsubishi Outlander 2.4 CVT Premium sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc tiếp theo với những ai cần một dòng xe mạnh mẽ, có khả năng chinh phục các cung đường khó khăn, lầy lội, thường xuyên di chuyển ở địa hình đồi dốc, trơn trượt cần khả năng vận hành ưu việt từ hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian AWC đáng giá của Mitsubishi.
Trên đây là đánh giá Mitsubishi Outlander 2021, Chợ Tốt Nhà hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn nhanh chóng chọn được cho mình chiếc ô tô ưng ý.