Mục lục
Nón bảo hiểm xe đạp không đơn giản chỉ là một chiếc mũ thuần túy, mà hơn thế nữa, nó còn là biện pháp bảo vệ an toàn cho bạn trong các cuộc phiêu lưu trên đường phố. Vì vậy, bạn đừng nên xem nhẹ và chủ quan khi điều khiển xe đạp trên đường. Cùng tìm hiểu kinh nghiệm chọn mua nón bảo hiểm xe đạp tại đây nhé.
Các loại nón bảo hiểm xe đạp hiện nay vẫn chưa được phổ biến và sử dụng nhiều tại Việt Nam, có thể tạm chia thành hai loại theo đặc tính sử dụng: một loại dành cho xe đạp điện và một loại dành riêng cho xe đua địa hình, xe leo núi chuyên dụng.
Hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm khi lưu thông trên xe đạp điện, nên người dân thường lơ là, không có các biện pháp chủ động để bảo vệ mình. Với tình hình giao thông phức tạp, các vụ tai nạn xảy ra ở các thành phố lớn ngày càng nhiều thì chiếc mũ bảo hiểm thật sự là một phụ kiện xe đạp rất cần thiết.
Mũ bảo hiểm nói chung khá đa dạng về kiểu dáng, thương hiệu và giá tiền, thông thường được chia thành 5 loại: nón trùm kín đầu (còn gọi là nón FF – Full Face), nón nửa đầu (nón 1/2, Half-Face), nón 3/4 đầu (Open-Face), nón Modular (Flip-up) và nón “cào cào” (Off-road, Motocross).
Người điều khiển xe đạp điện thường dùng loại nón ½ đầu dành cho xe máy. Loại mũ này có tính bảo vệ thấp, rất dễ trượt và rơi ra khi bị va chạm mạnh; do chỉ che được nửa phần đầu phía trên nên các vùng khác như gáy, mặt, tai và cằm đều có thể bị tổn thương nếu gặp tai nạn. Tuy nhiên, chúng lại rất được ưa chuộng bởi trọng lượng nhẹ chỉ chưa đến 1kg, thông thoáng, có kích thước nhỏ gọn, tiện mang theo, có thể dùng với tai nghe vì vùng tai của người đội không bị che kín. Mũ nửa đầu chỉ thích hợp để đội khi di chuyển trong thành phố hoặc lưu thông trên các phương tiện có vận tốc thấp như xe đạp điện.
Trên thị trường mua bán xe TPHCM hiện nay có rất nhiều loại nón bảo hiểm xe đạp giá rẻ được bày bán khắp các vỉa hè với mẫu mã đa dạng, nhưng tất cả đều không đạt chuẩn, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng do chưa được kiểm duyệt chất lượng. Mũ bảo hiểm thật bao gồm hai loại: loại được sản xuất trong nước và loại mũ nhập khẩu chính hãng, có giá trung bình từ 100 đến 500.000 đồng. Các thương hiệu uy tín gồm có: Asia, Protec, Napoli, Chase Agonistic, Simpson, Bktec, Andes, Everest, HJC, Yamaha, Honda…
Vì xe đạp có trọng lượng nhẹ và tốc độ di chuyển chậm, nên khi gặp những tình huống giao thông bất ngờ, người điều khiển chỉ có thể nhanh chóng phanh lại chứ không thể tăng tốc vượt qua. Vì thế, trong một số trường hợp sẽ khó tránh được những va chạm và thường thì xe đạp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Cho dù không phải là một yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng nón bảo hiểm xe đạp vẫn là phụ kiện duy nhất có thể đảm bảo cho sự an toàn của bạn khi di chuyển trên đường.
Nón bảo hiểm xe đạp chuyên dụng cũng là loại nón nửa đầu, có kiểu dáng thể thao, hiện đại và thường được các vận động viên xe đạp chuyên nghiệp, xe đạp địa hình sử dụng; đôi khi còn được các bạn trẻ đi xe máy lựa chọn vì kiểu dáng cá tính của nó.
Mũ bảo hiểm xe đạp có trọng lượng rất nhẹ, cho người đội cảm giác thoải mái, không bị sức nặng của nón tác động lên phần đầu và cổ, đây là kết quả của thiết kế khí động học một cách hợp lý. Nó cũng có 3 lớp như nón bảo hiểm thông thường: lớp vỏ nhẹ, siêu bền; lớp mút dày giúp đảm bảo an toàn và có quai cài để điều chỉnh cho phù hợp với mọi kích cỡ đầu. Ngoài ra, trên phần vỏ nón, tùy theo thiết kế còn có nhiều lỗ thông khí lớn nhỏ giúp người đội luôn cảm thấy thông thoáng.
Thị trường mũ bảo hiểm xe đạp hiện nay vẫn chưa được phát triển nhiều, nếu không tính đến các sản phẩm trôi nổi kém chất lượng thì hầu hết các loại nón bảo hiểm dành cho phương tiện đơn giản này đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Âu, Mỹ với các thương hiệu nổi tiếng như: Fornix, Bigone, Laplace, Moon (Trung Quốc), Giant (Đài Loan), Giro, Essen (Mỹ), OGK Kabuto (Nhật)… giá tiền dao động từ 350 ngàn đến 350 USD tùy chủng loại và chất lượng.
An toàn là vấn đề rất quan trọng khi lưu thông bằng các phương tiện xe hai bánh, do vậy chất lượng của nón bảo hiểm xe đạp phải được chú trọng hàng đầu rồi mới đến giá cả.
Nón bảo hiểm đạt chuẩn dù là loại nào đi nữa thì cũng phải có đủ 3 bộ phận: vỏ mũ; lớp đệm hấp thụ xung động bên trong và quai đeo. Tất cả mũ bảo hiểm đang lưu hành trên thị trường đều phải được dán tem CR và tem “đã kiểm tra” đối với loại hàng nhập khẩu. Người mua có thể đến các đại lý chính hãng bán mũ bảo hiểm xe đạp hoặc chọn mua trên các trang rao vặt hàng đầu.
Sau khi đã chắc chắn về chất lượng thì người mua mới nên cân nhắc đến hình thức và sự tiện dụng của chiếc mũ. Tuỳ theo sở thích của từng người mà có nhiều tiêu chí lựa chọn khác nhau: kiểu dáng thời trang hay phong cách, sự đồng điệu về màu sắc hoặc tính đồng nhất về thương hiệu giữa chiếc xe mà bạn đang sử dụng với chiếc mũ định mua.
Thêm nữa, ngoài việc mua một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn, bạn còn phải đội mũ đúng cách, cài quai mũ cẩn thận để không gây ra nguy hiểm cho mình và những người cùng tham gia giao thông.
Ở một số quốc gia trên thế giới như Úc, Mehico, Ý, Ba Lan, Anh… đã từng ban hành điều luật yêu cầu đội nón bảo hiểm xe đạp đối với người điều khiển, nhưng đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối về quyền tự do từ các tổ chức của những người đi xe đạp. Trên thực tế, hiện nay chính phủ chỉ có thể dừng lại ở việc khuyến khích đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, còn việc đội hay không là còn tùy vào nhận thức và thói quen của mỗi người để có được những chuyến đi an toàn.
Bài được tổng hợp và viết bởi blog kinh nghiệm Chợ Tốt Xe. Xin vui lòng trích dẫn nguồn nếu có sử dụng thông tin trên.